Thú chơi Zippo đang ‘sốt’ trở lại?

 

Nếu trước đây người ta tìm đến bật lửa Zippo chỉ do thích, thì giờ đây, nhiều người đã bắt đầu định hướng chơi theo… chủ đề nhiều hơn, chứ không còn loại trào lưu lan man nữa”, Bính, thành viên quản trị diễn đàn Zippof******.com, khẳng định.

Trong những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, việc sở hữu một “con” Zippo sáng loáng trong tay, “châm được lửa ngay cả trong gió bão”, là niềm tự hào của giới trẻ ở Việt Nam, bất kể họ có hút thuốc hay chẳng bao giờ động đến điếu thuốc. Nhiều người mê chơi loại bật lửa độc đáo này thậm chí còn khoa trương so sánh, nếu ngày nay, mẫu điện thoại di động khẳng định “đẳng cấp dân chơi”, thì lúc ấy, giới trẻ thành thị được đánh giá cấp bậc qua cái bật lửa kim loại có nguồn gốc ở cách Việt Nam tận nửa vòng trái đất.

Sau một thời gian dài tạm lắng, gần đây, người ta lại thấy những cuộc “săn lùng” bật lửa Zippo lại sôi động trở lại trên cả các diễn đàn lẫn những chốn cà phê, quán cóc. Dấu hiệu dễ kiểm chứng điều này nhất nằm ở việc, một số nơi bán bao da điện thoại ở Sài Gòn, Hà Nội đã bắt đầu làm thêm cả bao da bật lửa.

Thú chơi Zippo đang ‘sốt’ trở lại?

Zippo lại "cháy" trở lại? Ảnh minh họa.

Tính riêng ở diễn đàn của Bính, lượng người tham gia trao đổi thông tin tại đây đã lên đến hơn 1.000 người, với đội ngũ quản lý đều còn rất trẻ, chỉ ngoài 20 tuổi. Rất nhiều đề tài chuyên sâu về bật lửa Zippo được trao đổi cho thấy giới đam mê thú vui này đã hoạt động có định hướng hơn, chứ không “vừa chơi vừa mò” như thế hệ trước nữa.

Định hình cách chơi

“Thực sự ngay đến cả bây giờ, những người am hiểu thật sự về cách chơi Zippo vẫn còn ít lắm. Nhưng những chia sẻ của dân có kinh nghiệm trên diễn đàn khiến cho rất nhiều người chơi yên tâm hơn”, Bính nói.

Theo giới sành Zippo, hiện ở Việt Nam, người sưu tầm Zippo đã chú ý nhiều hơn đến các chủ đề khác nhau để săn được món hàng mình cần. Trong đó, các hướng sưu tầm theo chất liệu và phương pháp trang trí là được quan tâm nhiều nhất.

“Zippo có rất nhiều loại nền (hay chất liệu) khác nhau như xi bóng trơn, xi bóng nhám, sơn nứt, đồng thau, mạ, khảm kim loại quý như vàng, bạc. Bật lửa vàng và bạc cũng chia làm nhiều loại, có thể chỉ là mạ, hoặc khối. Về phương pháp tạo ra họa tiết thì có khắc máy, khắc tay, sơn máy, sơn tay, ăn mòn xuôi hoặc ngược (dùng acid để ăn mòn và lấy đi phần hình nền của tác phẩm, chỉ chừa lại các chi tiết chính)”, một người chơi lão luyện giấu tên chia sẻ với chúng tôi.

“Mỗi người chơi có thể bám theo một chủ đề hoặc nhiều chủ đề khác nhau bởi Zippo có đến hàng nghìn chủng loại phân theo chất liệu và họa tiết. Thậm chí các sự kiện khác nhau cũng tạo ra những mẫu Zippo khác nhau. Cần biết rằng trước chiến tranh thế giới thứ 2, hầu hết Zippo đều được làm bằng đồng, nhưng trong chiến tranh, do lượng đồng khan hiếm vì được trưng dụng cho chiến trường, nên Zippo thép ra đời. Ở thời này, Zippo không bóng bảy như ở các giai đoạn khác, chúng thường được bọc một lớp sơn sần sùi bên ngoài. Nhiều người không am hiểu nhìn thấy chắc chỉ muốn ném đi, nhưng với những người đam mê, thì những chiếc bật lửa đó đáng giá cả gia tài”.

Thú chơi nhọc công

Xét về giá, giống như các món đồ chơi khác, số tiền người chơi bỏ ra để sở hữu một chiếc Zippo tỷ lệ với độ khan hiếm của nó. Một chiếc bật lửa thông thường bán ở Hà Nội có giá khoảng 500-700 nghìn đồng. Đồ độc hơn một chút với những họa tiết trang trí lạ có giá khoảng 2 triệu đồng. “Ít người sưu tầm Zippo tiết lộ giá mua được món hàng độc của mình. Ngay cả trong diễn đàn cũng chỉ truyền miệng nhau rằng ở Việt Nam, có một dân chơi tại Sài Gòn đã chi đến 5.000 USD (ngót nghét gần 100 triệu đồng) cho một chiếc Zippo vàng khối”, Bính kể.

Thú chơi Zippo đang ‘sốt’ trở lại?

Một trong những chiếc Zippo đầu tiên. Ảnh: Zippogallery.

Trên thế giới, kỷ lục giá bán đắt nhất của một chiếc Zippo hiện là 37.000 USD (khoảng 680 triệu đồng). Đây là 1 trong số vỏn vẹn 41 chiếc bật lửa được hãng sản xuất tung ra trong năm 1933, năm hoạt động đầu tiên của công ty này. Điểm đặc biệt nằm ở chỗ, chiếc bật lửa này gần như vẫn còn hoàn toàn nguyên vẹn. Hiện 29 chiếc của lứa bật lửa này đang được sưu tầm ở Mỹ, 10 cái ở Nhật và 2 ở châu Âu.

So với cái giá 2.000 đồng của các loại bật lửa Trung Quốc, thì rõ ràng giá của mỗi chiếc Zippo không hề rẻ. Tuy nhiên, với những người như Bính, chơi Zippo không phải là thú chơi tốn tiền, mà chủ yếu là tốn rất nhiều công sức chăm sóc.

“Đầu tiên, đối với những người sưu tầm như tôi, xác định chơi là xác định có những đêm thức trắng để tham gia đấu giá một món độc mà mình đã thích và liên tục xem giá cả biến động thế nào. Chỉ cần chậm một giây thôi là cũng sẽ phải cắn răng nhìn ‘người yêu’ về tay chủ khác”, Bính kể. “Đã có bật lửa trong tay rồi, thì cứ dăm ba bữa lại lụi cụi vệ sinh, lau chùi buồng đốt, cắt bấc, kiểm tra xăng, đá… để làm sao cho chiếc bật lửa của mình không được xuất hiện lỗi khi sử dụng. Một con Zippo ngon thì bật 1 cái là lên lửa ngay, ngọn lửa cháy xanh vàng đẹp, không bị vàng quá, không bị bập bùng do thiếu xăng hay buồng đốt bẩn, bản lề phải chắc chắn, tiếng đóng mở nắp nghe phải … giòn tan. Có như thế, tôi mới có thể yên tâm đi xe máy 40 km/h mà vẫn có thể châm lửa”.

Bài viết liên quan

Zippo - Ngọn lửa ‘‘ma lực’’
 
Thú chơi Zippo: Niềm đam mê không chỉ để đánh lửa
 

Viết đánh giá

Họ và tên:


Đánh giá của bạn: Lưu ý: Không hỗ trợ HTML!

Bình chọn: Dở            Hay

Nhập mã bảo vệ: