Zippo thú chơi hay thời trang?

Nếu trước đây người ta tìm đến bật lửa Zippo chỉ do thích hay tò mò thì giờ đây nhiều người đã bắt đầu định hướng chơi theo chủ đề nhiều hơn. Và trào lưu sưu tầm bật lửa Zippo đang được đẩy lên thành thú chơi cầu kỳ, tốn kém, nhọc công.

Zippo hàng hiệu

Cầu kỳ

Khoảng chục năm trước, việc sở hữu một chiếc Zippo sáng loáng, châm được lửa ngay cả trong gió bão, là niềm tự hào của không ít đàn ông Việt Nam, bất kể họ có hút thuốc hay chẳng bao giờ động đến điếu thuốc.

Không giống như nhiều loại bật lửa khác, Zippo có nắp được đóng mở nhờ một hệ thống bản lề rất đặc biệt, giúp người dùng dễ dàng mở ra khi sử dụng nhưng cũng rất kín khi gập lại và tạo ra tiếng kêu nghe “sướng tai”. Thêm vào đó, bánh xe của Zippo rất nhạy, nếu được lắp đúng cách, chủ nhân của nó không cần phải sử dụng quá nhiều lực ở ngón tay để thắp sáng lõi bấc.

Ngọn lửa khi cháy, dù có quay cuồng ở tốc độ và phương hướng nào đi chăng nữa, cũng không thể bị thổi tắt. Chính những lý do trên khiến Zippo mãi giữ được ấn tượng trong suốt quá trình tồn tại gần 8 thập kỷ qua.

Những người mê chơi loại bật lửa độc đáo này thậm chí còn khoa trương so sánh, nếu ngày nay, mẫu điện thoại di động khẳng định “đẳng cấp dân chơi”, thì lúc ấy đàn ông được đánh giá cấp bậc qua cái bật lửa kim loại có nguồn gốc từ phương Tây.

Nhiều người cho rằng sự thực là ở Việt Nam có rất nhiều người chơi Zippo đủ tầm để so sánh với những tay chơi trên thế giới. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều sẵn sàng lộ diện để chia sẻ thú vui với cộng đồng.

Tốn kém

Xét về giá, giống như thú chơi khác, số tiền người chơi bỏ ra để sở hữu một chiếc Zippo tỷ lệ với độ khan hiếm của nó. Trên thế giới, kỷ lục giá bán đắt nhất của một chiếc Zippo hiện là 37.000 đô la Mỹ (khoảng 700 triệu đồng). Đây là 1 trong số vỏn vẹn 41 chiếc bật lửa được hãng sản xuất tung ra trong năm 1933.

Điểm đặc biệt nằm ở chỗ, chiếc bật lửa này gần như vẫn còn hoàn toàn nguyên vẹn. Hiện 29 chiếc của lứa bật lửa này đang được sưu tầm ở Mỹ, 10 cái ở Nhật và 2 ở châu Âu.

Zippo hàng hiệu

"Hãng Zippo của Mỹ thành lập vào năm 1932. Năm 1933, chiếc bật lửa Zippo đầu tiên được xuất xưởng. Có những mẫu bật lửa hiện nay đã ngưng sản xuất. Những chiếc Zippo được làm bằng nhiều chất liệu như đồng, thép, bạc, thậm chí bằng vàng. Giá trị của chúng tùy vào độ hiếm, cổ xưa cũng như tình trạng và chủ đề. Hiện nay, mẫu Zippo ra đời đầu tiên được trưng bày trong viện bảo tàng Zippo tại Bradford với dòng chữ viết tay bởi chính cha đẻ của Zippo là George G. Blaisdell: “First Zippo lighter. Do not touch” (Chiếc zippo đầu tiên. Cấm sờ vào hiện vật)".

Mỗi người chơi có thể bám theo một chủ đề hoặc nhiều chủ đề khác nhau bởi Zippo có đến hàng nghìn chủng loại phân theo chất liệu và họa tiết. Thậm chí các sự kiện khác nhau cũng tạo ra những mẫu Zippo khác nhau.

Mỗi năm, Zippo đều tung ra một hoặc một bộ sản phẩm biểu tượng với số lượng hạn chế. Số lượng như thế rõ ràng không thể đáp ứng được lượng người chơi quá lớn trên toàn thế giới. Do đó, giá của chúng dù ban đầu chỉ khoảng 40 - 50 đô la Mỹ, nhưng ra đến thị trường trao tay giữa những người sưu tầm, có thể lên đến vài trăm đô la Mỹ.

Thêm vào đó, dành cho giới sưu tầm, Zippo cũng tung ra các bộ sản phẩm có chủ đề riêng: rừng, chiến tranh hiện đại, ô tô, Harley Davidson, 007… Điều đáng nói nằm ở chỗ, trong cả bộ đó, số lượng của phần lớn đều như nhau, nhưng luôn có một dòng bị làm hụt đi và trở thành hàng độc.

Nhọc công

Theo những người gắn bó với thương hiệu Zippo lâu năm, ở họ thường hội đủ 5 yếu tố cốt lõi. Đầu tiên, phải có đam mê, điều mà người chơi ở lĩnh vực nào cũng cần. Có đam mê, người ta mới dám “hy sinh” thời gian và công sức cho cái thú vui của mình.

Thứ hai là kiến thức. Nhiều người chỉ sưu tầm bật lửa cho vui, thấy thích là mua, là săn, chứ không chơi một cách hệ thống. Họ có nhiều Zippo mà không biết mình đang có cái gì hoặc chỉ sở hữu những chiếc bật lửa riêng lẻ chứ không phải theo bộ.

Tiếp theo nữa, thời gian cũng là yếu tố những người sưu tầm cần có. Phải dành nhiều thời gian săn tìm mới có được món mình yêu thích. Có khi phải cả năm trời vật vã chờ đợi để sở hữu chiếc Zippo đặt mua ở Mỹ, hoặc nhờ người quen xách tay mang về trong nước. Điều thứ tư là tiền bạc. Tuy mỗi chiếc Zippo chỉ có giá từ vài chục tới vài trăm đô la Mỹ, nhưng nếu không dư dả thì cũng khó theo đuổi. Không phải ai cũng sẵn sàng bỏ cả tháng lương ra chỉ để mua một chiếc bật lửa về ngắm.

Yếu tố cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất là “cái duyên”. Đôi khi chỉ là tình cờ, những chiếc Zippo ưa thích xuất hiện cùng với những cậu bé đánh giày hay những người đi bán đồ dạo. Với những người này thì chiếc bật lửa chẳng có gì đặc biệt nhưng đối với người chơi Zippo đôi khi nó ngẫu nhiên trở thành mảnh ghép cuối cùng trong bộ bật lửa đang sưu tầm, cảm giác khi đó thực sự khó tả.

Hiện tại có hai chiếc Zippo quý nhất thế giới: một sản xuất cuối năm 1932 hiện đang nằm trong tủ của viện bảo tàng gia đình ZippoCase tại Bradford và cái thứ nhì là Zippo Signet bằng vàng khối 18 karat được bán đấu giá trên trang điện tử eBay với mức giá là 18.000 đô la Mỹ.

Theo: Thế giới đàn ông

 

Bài viết liên quan

Cách thay đá Zippo
 
Cách thay bấc Zippo
 
Cách thay bông Zippo
 
Cách bơm gas cho bật lửa Dupont
 

Viết đánh giá

Họ và tên:


Đánh giá của bạn: Lưu ý: Không hỗ trợ HTML!

Bình chọn: Dở            Hay

Nhập mã bảo vệ: